TIN MỚI NHẤT

Thứ Ba, 29 tháng 10, 2013

Trường Học Làm Người

Báo Nông nghiệp VN 12/14/2009

Gọi là trường học nhưng thực chất chỉ có một phòng rộng chừng 100 mét vuông. Tên trường cũng rất lạ “Học làm Người” và chỉ có duy nhất một giáo viên vừa giảng dạy, vừa kiêm luôn chức… hiệu trưởng.

Một góc làm việc, viết sách của thầy Hoàng Xuân Việt

“Quái kiệt” trong mắt Đào Duy Anh

Ngày nay trường học này còn có tên Trường Hán Nôm Nguyễn Trãi, đặt tại số 48 Bành Văn Trân, phường 7, Q.Tân Bình (TP HCM).

Người giáo viên kiêm hiệu trưởng ấy chính là giáo sư, học giả Hoàng Xuân Việt (tên khai sinh của ông là Nguyễn Tùng Nhân), sinh năm 1930 tại làng Vĩnh Thành, tỉnh Bến Tre. Ông tốt nghiệp cao học tại hai trường Đại chủng viện Saint Joseph và Saint Sulpice. Sau đó, ông còn theo học và nghiên cứu chuyên sâu những môn như triết, thần học, xã hội học, xã hội học, phụ nữ học, thiên văn học và năng lực hạnh tâm. Ông thông thạo nhiều ngoại ngữ như Anh, Pháp, Đức, Bồ Đào Nha, cổ ngữ Hi Lạp, La tinh…

Hơn 60 năm khổ luyện với nghiệp cầm bút viết sách cũng như tự biên khảo bộ “Bách khoa Thư vi Nhân học Nguyễn Trãi - Trương Vĩnh Ký” gồm 272 đầu sách, phần lớn đã được xuất bản trong loại sách “Học làm Người”…

Tôi gặp ông lúc ông đang hào hứng chuẩn bị cho “Ngày thầy trò” truyền thống hằng năm. Ở độ tuổi bát tuần nhưng tinh thần còn rất minh mẫn với nụ cười thật hiền hậu; đặc biệt giọng nói có sức truyền cảm, lôi cuốn!

Tiếp chuyện tôi, ông bắt đầu tâm sự về quá trình hình thành nên “Trường học làm Người” và các thế hệ học trò theo học cho đến tận ngày nay. Trong khoảng thời gian gần 60 năm làm thầy, đồng thời đi thuyết giảng khắp nơi trên toàn quốc cũng như viết trên 1000 bài về phát triển con người toàn diện, ông đã có hàng vạn học trò.

Không chỉ là một học giả viết về nhiều lĩnh vực của đời sống, GS. Hoàng Xuân Việt còn làm thơ, có tập thơ mang tên ông dày 600 trang. Chính vì sẵn có chất thơ trong người, nên rất nhiều đầu sách của ông nói về những đề tài khô khan nhưng nghe vẫn rất mượt mà như những tựa sách: Văn hóa và văn minh hồn xiêu phách lạc; Bà là thiên đường hay khám lạnh của ông?; Vợ chồng khác miền khác chủng; Việc của ếch giao cho nhái; Ôi! Phù vân, tất cả... đều phù vân; Quân tử khác lòng người ta; Thăng hoa nhân phẩm; Trăm năm nào có gì đâu...

Trong giới trí thức vẫn còn lưu truyền một gia thoại. Một lần vào Nam (năm 1979), học giả Đào Duy Anh có buổi nói chuyện với học giả Nguyễn Hiến Lê. Trong câu chuyện, cụ Đào Duy Anh đánh giá: “Ông Hoàng Xuân Việt này (nhỏ hơn cụ Đào Duy Anh, Nguyễn Hiến Lê khoảng 20 tuổi) cũng là loại quái kiệt trong làng văn học miền Nam đây. Sao đất Sài Gòn nảy sinh nhiều quái kiệt và kỳ nữ thế nhỉ? Nào là quái kiệt Trần Văn Trạch, Ba Vân và kỳ nữ Kim Cương. Nay nghe số sách xuất bản đồ sộ của Hoàng Xuân Việt thì tôi cho rằng đây cũng là một quái kiệt về sách đấy nhé!”. Sau đó, cụ Đào Duy Anh muốn đi tìm nhà Hoàng Xuân Việt nhưng không gặp.

Học Làm Người

Do bức xúc trước những giá trị văn hóa truyền thống có nguy cơ mai một, hơn nữa chứng kiến những vấn nạn của xã hội ngày càng tăng khiến ông “đau” và bắt đầu thai nghén nhiều ý tưởng.

Năm 1993, ông quyết định tìm đến Sở GD - ĐT và Sở Văn hóa- Thông tin TP HCM xin phép được thành lập Trường Hán Nôm Học làm Người Nguyễn Trãi để cần giáo dục thế hệ trẻ. Những ngày đầu khi trường lớp vừa mới thành lập, trông thật ngán ngẩm, học trò chỉ thưa thớt vài ba người. Để thu hút thêm học viên mới, ông phải treo bảng ở cổng nhà và hằng ngày động viên những người theo học không bỏ lớp; đồng thời ông kiên trì mời gọi thêm từng người bạn cùng tham gia lớp học. Sau một thời gian, lớp học của ông bắt đầu có thêm những học viên mới và ngày càng đông.

Theo lời thầy Hoàng Xuân Việt: “Thời gian đầu tôi lấy tên lớp là “Học làm Người”, có nhiều bạn trẻ đã thắc mắc rằng: Con vốn đã là người thì còn phải học làm NGƯỜI chi nữa?”. Vậy nhưng, họ càng học càng “ngấm” và thấu hiểu chữ NGƯỜI viết hoa ấy thật sự có ý nghĩa! Hơn nữa, sẵn có nguồn tư liệu vô cùng phong phú trong thư viện “Sách học làm Người”, có cả những cuốn sách của chính học giả Hoàng Xuân Việt viết và biên soạn cùng hàng ngàn loại sách của các học giả thế hệ đi trước...

Trong số học trò của ông có những người từng một thời lầm lỗi, nay theo lớp “Học làm Người” chỉ với tâm nguyện được làm lại cuộc đời.

Lớp học thường bắt đầu từ 7 đến 9 giờ vào các tối thứ 2, 4, 6 hằng tuần và mỗi buổi học kéo dài khoảng 120 phút và lượng học viên tham gia lớp “Học làm Người” rất đông. Từ nhà giáo, bác sĩ, kỹ sư, luật sư đến những nhà sư, giới trẻ…đều ghi danh theo các khóa học. Với bất cứ người nào đến đây học cũng có thể tự đúc kết cho mình những bài học bổ ích quý giá bởi nội dung bài giảng rất thiết thực, gần gũi với cuộc sống đời thường. Thậm chí có những sinh viên, ngoài giờ học vẫn tranh thủ đến lớp học này để nghe ông giảng về những điều mà ở trường không có. Đặc biệt, những môn như: Thông đạt học, Giao tế học, Đắc nhân tâm, Thuật hùng biện…thu hút đông học viên!

Gặp chúng tôi, anh Hoàng Cao Sang, một học viên bộc bạch: “Ngay từ khi còn đang ngồi trên giảng đường trường Đại học Luật, tình cờ tôi được biết thông tin về trường học đặc biệt này. Vào một dịp, tôi bị bế tắc trong quá trình giải quyết tình huống, vậy là tôi tìm đến lớp học của thầy Việt và gắn bó với khóa học thuật hùng biện suốt hai năm trời”.

Theo lời anh Sang, đến đây học thêm được rất nhiều điều bổ ích mà giáo trình ở trường không có. Thậm chí đã giúp anh thay đổi hẳn cách nhìn về cuộc sống gia đình - xã hội. Ngoài ra, có nhiều học viên đã lập gia đình cũng theo học lớp thầy dạy. “Đến đây chúng tôi học được tâm lý ứng xử vợ chồng, cách nuôi dạy con cái cũng như bổn phận làm cha làm mẹ trong một xã hội hiện đại”, anh Hoàng Mạnh Hà (nhà ở quận 3, TP HCM) tâm sự.

Những bài giảng ở lớp “Học làm Người”, nhiều khi là những câu danh ngôn, những kinh nghiệm sống thực tế, hay những đoạn thơ, văn trong sách mà thầy Việt đã tích góp từ chính cuộc đời, trong gia đình và ngoài xã hội…Mỗi chủ đề mới đều do thầy Việt gợi ý ra để tự học viên thảo luận mổ xẻ, sau đó thầy sẽ chốt lại giá trị nhân bản được kết tinh trong đó.

Minh Sáng
Báo Nông Nghiệp
 
Copyright © 2013 Thời Trang Groups